NỘI DUNG VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC, MỤC TIÊU GIÁO DỤC

TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

1. Trường Đại học Vinh

1.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Trường Đại học Vinh được thành lập năm 1959 theo Nghị định số 375/NĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục với tên gọi ban đầu là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 29/02/1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục có Quyết định số 637/QĐ đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Ngày 11/07/2011, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1136/TTg-KGVX đưa Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia.

Là một trong những trường đại học đầu tiên của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Trường vinh dự được đóng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vùng địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng.

Từ khi thành lập đến nay, Trường đã trải qua 5 giai đoạn phát triển:

- Từ Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh đến Trường Đại học Sư phạm Vinh (1959 - 1965).

- Trường Đại học Sư phạm Vinh trong những năm sơ tán (1965 - 1973).

- Trường Đại học Sư phạm Vinh vượt qua khó khăn, từng bước đa ngành (1973 - 2001).

- Sự phát triển của Trường Đại học Vinh đa ngành (2001 - 2019).

- Xây dựng Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh, là trụ cột của các cơ sở giáo dục đại học khu vực Bắc Trung Bộ, hướng tới xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á (2019 - nay).

Hiện tại, Trường đào tạo 57 ngành đại học (trong đó có 3 ngành đại học chất lượng cao), 38 chuyên ngành thạc sĩ, 17 chuyên ngành tiến sĩ (2). Ngoài ra, Trường Đại học Vinh còn có 3 trường trực thuộc (Trường THPT Chuyên,  Trường Mầm non thực hành và Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thực hành).

Trong 57 ngành đào tạo đại học, Trường Đại học Vinh có 14 ngành đào tạo giáo viên là các ngành truyền thống, cung cấp nguồn giáo viên chất lượng cao cho cả nước. Trong quá trình xây dựng và phát triển, chất lượng đào tạo luôn được Nhà trường quan tâm hàng đầu. Từ năm 2017, Nhà trường đã xây dựng và phát triển Chương trình đào tạo tiếp cận CDIO cho tất cả các ngành đào tạo đại học và chuyên ngành đào tạo sau đại học.

1.2. Sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục

Sứ mạng: Trường Đại học Vinh là cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế.

Tầm nhìn: Trường Đại học Vinh trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, xếp hạng tốp 1.000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Giá trị cốt lõi

 

                                                Trung thực (Honesty)

                                                Trách nhiệm (Accountability)

                                                Say mê (Passion)

                                                Sáng tạo (Creativity)

                                                Hợp tác (Collaboration)

 

 

Triết lý giáo dục

HỢP TÁC -  SÁNG TẠO

Trường Đại học Vinh xác định Hợp tác (Collaboration) trong môi trường học thuật, đa văn hóa là sự kết nối, tương tác và cộng hưởng năng lực giữa các cá nhân và giữa các đơn vị, tổ chức để tạo nên sự phát triển. Hợp tác là tôn trọng sự khác biệt, sự phát triển tự do của mỗi con người, thể hiện tính nhân văn. Hợp tác là con đường để cùng phát triển và đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên liên quan.

Nhà trường tạo dựng môi trường hợp tác để thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Người học được khuyến khích phát triển năng lực hợp tác thông qua chương trình đào tạo với các phương pháp dạy học tích cực chú trọng đến năng lực hợp tác

Trường Đại học Vinh coi Sáng tạo (Creativity) là năng lực cốt lõi nhất của mỗi cá nhân, đảm bảo cho sự thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống trong bối cảnh thay đổi và sự vận động của Cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo khả năng học suốt đời. Sáng tạo là tạo ra những tri thức và giá trị mới. Sáng tạo là dám nghĩ, dám làm, say mê nghiên cứu, khám phá, và không ngừng cải tiến.

Nhà trường đào tạo người học trở thành người lao động sáng tạo thông qua quá trình "hình thành ý tưởng - thiết kế - triển khai - vận hành" trong các hoạt động nghề nghiệp, có khả năng thích ứng cao trong thế giới việc làm.

2. Mục tiêu chương trình đào tạo

         Mục tiêu chung: Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Giáo dục quốc phòng - an ninh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có sức khỏe; có kiến thức nền tảng về khoa học xã hội, khoa học giáo dục và kiến thức chuyên sâu về giáo dục quốc phòng và an ninh; Có năng lực tổ chức dạy học, giáo dục và phát triển chương trình môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường phổ thông; Có khả năng nghiên cứu, sáng tạo để phát triển bản thân, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

Sau đây là một số hình ảnh về hoạt động dạy học, thực tập, tham quan thực tế của sinh viên chuyên ngành Sư phạm QP&AN tại Trung tâm GD QP&AN, Trường Đại học Vinh:

Đại tá, Thạc sĩ Trần Văn Thông, Phó GIám đốc Trung tâm, Trưởng Khoa GDQP đang duy trì sinh viên Lớp K62 SPQP trình bài bài tập đồ án

Sinh viên Lớp K62 SPQP đang trình bày bài tập đồ án

Sinh viên Lớp K62 SPQP đang trình bày bài tập đồ án

Sinh viên K61 SPQP của Trung tâm GD QP&AN Trường ĐH VInh  đi thực tập tại Trường THPT Yên Thành

Sinh viên K61 SPQP thực hành giảng dạy cho học sinh trong kỳ thực tập tại Trường THPT Yên Thành

 

Thầy giáo, Thạc sĩ Lưu Văn Mạnh và tập thể Lớp K61 SPQP tham quan thực tế tại Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

 

Tin, ảnh: Trung tâm GD QP&AN