Tham gia buổi Tọa đàm có Thượng tá, Thạc sĩ Trần Văn Thông, Phó Giám đốc trung tâm, Trưởng Khoa Quốc phòng; Trung tá Phạm Thế Dũng, Tổ trưởng Tổ kỹ chiến thuật, Chủ nhiệm Lớp K58; Thạc sĩ Lê Duy Hiếu, Tổ trưởng Tổ Đường lối Quân sự và các thầy cô giáo trong trung tâm cùng đông đủ các bạn sinh viên hai lớp K58A chuyên ngành sư phạm GD QP&AN.
Quang cảnh buổi Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm thực tập tại các trường THPT
Buổi tọa đàm góp phần chuẩn bị về tâm lý, kiến thức cho sinh viên Lớp K58A GD QP&AN hoàn thành tốt kỳ thực tập cuối khóa
Tại buổi tọa đàm, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên đã cùng trao đổi chia sẻ về vị trí, ý nghĩa của kỳ thực tập sư phạm cuối khóa; những thuận lợi, khó khăn và những tình huống có thể gặp trong thời gian thực tập; những kiến thức, kỹ năng cần thiết của sinh viên cần chuẩn bị trong kỳ thực tập… Thượng tá, Thạc sĩ Trần Văn Thông, Phó Giám đốc trung tâm, Trưởng Khoa Quốc phòng phát biểu giao nhiệm vụ thực tập sư phạm cuối khóa cho Lớp K58A GD QP&AN Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thượng tá, Thạc sĩ Trần Văn Thông, Phó Giám đốc trung tâm, Trưởng khoa Quốc phòng và các thầy cô giáo trong khoa đã nhấn mạnh: “…Thực tập sư phạm cuối khóa là dịp các bạn sinh viên sư phạm tiếp tục được trải nghiệm những thử thách bên ngoài cánh cổng đại học và bước những bước chân đầu tiên vào đời. Kỳ thực tập sư phạm tại các trường THPT lần này của các bạn sinh viên năm cuối K58A GD QP&AN có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng, là điều kiện để các bạn sinh viên hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh và áp dụng sau khi ra trường… Đề nghị các bạn sinh viên Lớp K58 sư phạm chuyên ngành GD QP&AN kế thừa và phát huy kiến thức, kinh nghiệm trong kỳ kiến tập sư phạm ở năm học trước, tiếp tục thể hiện những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đã được trang bị trên giảng đường Đại học Vinh vào thực tiễn môi trường sư phạm của các trường THPT. Để hoàn thành nhiệm vụ thực tập sư phạm, yêu cầu các bạn sinh viên Lớp K58 phải chuẩn bị cho mình những hành trang nhất định đó là tri thức, kiến thức, tinh thần học hỏi, lòng yêu nghề, tinh thần vượt khó, sáng tạo, tư duy và khả năng sắp xếp công việc cho hợp lý… Trong quá trình thực tập, yêu cầu các bạn sinh viên Lớp K58 chú ý chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước cũng như các quy định của nhà trường, địa phương. Chú ý giải quyết hài hòa các mối quan hệ với các thầy cô giáo và học sinh tại nhà trường THPT, mối quan hệ với cán bộ và nhân dân địa phương, mối quan hệ với các thành viên trong đoàn thực tập sư phạm để giữ gìn vun đắp hình ảnh và giá trị của cán bộ, sinh viên Trường Đại học Vinh trong nhân dân…”. Trung tá Phạm Thế Dũng, Tổ trưởng Tổ kỹ chiến thuật, Chủ nhiệm Lớp K58A phát biểu tại buổi Tọa đàm Thạc sĩ Lê Duy Hiếu, Tổ trưởng Tổ Đường lối quân sự phát biểu chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm Thạc sĩ Đoàn Quang Dũng, Giảng viên Tổ Kỹ chiến thuật phát biểu tại buổi tọa đàm Buổi Tọa đàm là hoạt động thiết thực để chuẩn bị về tâm lý, kinh nghiệm, kỹ năng cho sinh viên chuyên nghành Lớp K58 GD QP&AN chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ thực tập sư phạm tại các trường THPT trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa trong thời gian sau tết nguyên đán Tân Sửu 2021… Để hoàn thành tốt đợt thực tập sư phạm cuối khóa đạt hiệu quả cao nhất, các thầy cô giáo trong trung tâm và các bạn sinh viên sư phạm chuyên ngành K58 GD QP&AN đã thống nhất một số nội dung, biện pháp, kinh nghiệm chính sau đây: 1. Sinh viên lập kế hoạch thực tập cá nhân, làm tốt mọi công tác chuẩn bị. Vì thời gian thực tập kéo dài 2 tháng, do đó yêu cầu các bạn sinh viên cần tranh thủ lập ra những danh mục công việc để chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho đợt thực tập. Những việc làm cần chuẩn bị trước là: - Tìm hiểu trước về trường thực tập, lớp chủ nhiệm (vị trí, địa điểm, tuyến đường giao thông đến trường, lịch sử truyền thống nhà trường…) - Lập kế hoạch chuẩn bị các hoạt động ngoại khóa cho lớp chủ nhiệm cũng như kế hoạch thăm hỏi học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp xúc và động viên, giúp đỡ học sinh cá biệt; - Chuẩn bị tốt các văn bản, mẫu báo cáo mà của đoàn thực tập cũng như của cá nhân theo quy định; - Chuẩn bị tốt giáo án thực tập bằng cách thu thập và nghiên cứu tài liệu liên quan. Đặc biệt chuẩn bị một quyến sổ để ghi chú những công việc cần thiết và đáng nhớ. Nếu không chuẩn bị trước thì khi thực hành thực tập, sinh viên sẽ lúng túng, bỡ ngỡ và dễ rơi vào thế bị động, lãng phí thời gian… 2. Trong thời gian thực tập sư phạm, sinh viên phải thể hiện được tư thế, tác phong tự tin, mẫu mực của người giáo viên. Do chưa có nhiều thời gian cọ xát, lên lớp cho học sinh phổ thông nên sinh viên không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ, hồi hộp và lo lắng. Để tránh những trường hợp này các bạn sinh viên cần: - Thứ nhất,khi đứng trước lớp, sinh viên thực tập cần chú ý đến cách dùng từ, diễn đạt chính xác, âm thanh đừng quá to hay quá nhỏ. Nếu thấy run thì hãy hít thở thật sâu và bình tĩnh làm tốt nhiệm vụ của mình; - Thứ hai,sinh viên thực tập không nên tạo khoảng cách với học sinh, cần xác định mình là người bạn mới của các em để chia sẻ tâm sự và coi thầy cô giáo thực tập như là người thân trong gia đình, giúp đỡ các em trong khả năng của mình. Những điều này giúp sinh viên cảm thấy gắn bó, gần gũi với lớp hơn. - Thứ balà trang phục của sinh viên thực tập. Trang phục tuy không phải là yếu tố quyết định đến thành công của sinh viên nhưng nó là nhân tố ảnh hưởng đến hình ảnh của sinh viên thực tập. Do đó, sinh viên hãy lựa chọn cho mình bộ trang phục trang nhã, thân thiện, tránh sự cầu kỳ và phản cảm người nhìn; vì thế nên sinh viên cần chịu khó bỏ ra ít thời gian để chuẩn bị cho mình tươm tất, gọn gàng thể hiện phong cách của một nhà giáo tương lai. 3. Một số lưu ý trong các buổi dự giờ và dạy thử tại các trường THPT: Dự giờ là cơ hội để sinh viên thực tập sư phạm kiểm chứng giữa lý thuyết được học trên giảng đường và thực tiễn trên lớp học. Do đó, sinh viên nên lưu ý: - Nên chuẩn bị giáo án và nộp trước thời hạn quy định để có thời gian thảo luận với giáo viên hướng dẫn. - Trong quá trình dự giờ, sinh viên thực tập cần tập trung chú ý lắng nghe và theo dõi phương pháp dạy của giáo viên như: quá trình dẫn dắt tiết học, cách xử lý tình huống sư phạm, cách phân chia thời gian dạy của giáo viên. Đặc biệt, sinh viên thực tập không nên sử dụng điện thoại trong khoảng thời gian này (chuyển chế độ điện thoại về chế độ im lặng) để biểu thị sự tôn trọng, khiêm tốn, cầu thị… - Sau tiết dự giờ, giáo viên hướng dẫn chuyên môn sẽ góp ý, đánh giá giáo án. Sinh viên thực tập nên lắng nghe và ghi chép cẩn thận những góp ý của giáo viên hướng dẫn, tiếp thu ý kiến của giáo viên về giáo án với thái độ vui vẻ và chân thành của một người học nghề, tránh trường hợp căng thẳng đôi co với giáo viên hướng dẫn. - Khi được sắp xếp lên lớp thì sinh viên thực tập cần nắm bắt cơ hội, chuẩn bị chu đáo về giáo án và kiến thức, phương pháp. Bởi thông qua dạy thử sẽ giúp các bạn sinh viên biết được một tiết dạy học phổ thông cần chuẩn bị những gì, các thao tác thực hiện thế nào và giáo viên hướng dẫn nhận xét điểm yếu, điểm mạnh của bản thân để khắc phục, giúp sinh viên thực tập hoàn thiện kỹ năng, kiến thức, phục vụ cho quá trình công tác sau này. 4. Kỹ năng chủ nhiệm trong thời gian thực tập sư phạm tại các trường THPT - Trước tiên, sinh viên thực tập cần chủ động tìm gặp giáo viên chủ nhiệm của lớp để nắm bắt những yêu cầu cụ thể mà giáo viên đặt ra và tìm hiểu tình hình lớp mình sắp chủ nhiệm. - Sinh viên thực tập cần nắm bắt được tâm lý các em học sinh lớp chủ nhiệm bằng cách tích cực giao lưu, tiếp xúc với các em học sinh, trong mọi điều kiện thời gian có thể như (đầu giờ, giờ ra chơi, các buổi ngoại khóa…). Song, hòa đồng với các em nhưng sinh viên lưu ý cần giữ khoảng cách nhất định, thể hiện chuẩn mực của người giáo viên. - Trong hoạt động phong trào, sinh viên thực tập cần phát huy tinh thần tự giác năng động, sáng tạo của mình, giúp cho các em học sinh tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động đoàn thể vui vẻ, sôi nổi. Nếu các bạn sinh viên có năng khiếu văn nghệ hay thể thao thì hãy hết thể hiện và tham gia hết mình với các phong trào văn thể mỹ của trường. Có như thế các bạn sinh viên thực tập mới có thể xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt giáo viên hướng dẫn và học sinh. 5. Những điều cần tránh trong công tác thực tập sư phạmở nhà trường THPT. - Thời gian thực tập là thời gian quý báu để các bạn sinh viên "học nghề", do đó sinh viên thực tập cần ghi chép cẩn thận điều hay lẽ phải. Nếu phát hiện có những quan điểm khác biệt trong nội dung, phương pháp giảng dạy, sinh viên thực tập ghi nhận rõ ràng và trao đổi về những thắc mắccủa bản thân với giáo viên một cách tế nhị và khéo léo tại buổi họp rút kinh nghiệm sau tiết dạy, để đi đến sự thống nhất về nội dung, phương pháp. - Khi thực tập, các bạn sinh viên thực tập cũng được Hội đồng Sư phạm nhà trường THPT xem như những giáo viên chính thức. Cho nên, những cuộc họp Hội đồng, sinh viên nhất định tham gia và chủ động phát biểu ý kiến đứng ở góc độ sinh viên thực tập. Điều này sẽ giúp ích bạn sinh viên nhiều trong công tác giảng dạy ở tương lai. - Quá trình thực tập, sinh viên không nên giữ khoảng cách quá lớn với học sinh và cũng đừng quá dễ dãi trong mối quan hệ với các em. Có nhiều giáo sinh vì cả nể, cảm tính đối với lớp (thường là lớp mình chủ nhiệm) nên sẵn sàng chấp nhận mọi lời mời của lớp dù là mời đi hát Karaoke, đi uống cà phê, thậm chí là đi... nhậu. Một số nội dung đã vi phạm nội quy của trường phổ thông và vô tình có thể làm nhân cách của sinh viên thực tập bị ảnh hưởng…/. Tin, ảnh: Trung tâm GD QP&AN |