Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; Ông Nguyễn Phùng Quân, Văn phòng Chương trình CTDT/16-20; Ông Phan Thanh Đoài, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An; Ông Vy Mỹ Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng. Về phía Trường Đại học Vinh có GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng; TS. Phạm Thị Bình, Chủ tịch Công đoàn; TS. Thiều Đình Phong, Bí thư Đoàn Thanh niên; PGS.TS. Trần Vũ Tài, Viện trưởng Viện SP Xã hội; PGS.TS. Trần Viết Quang, Viện trưởng Viện KHXH&NV; và một số nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của Nhà trường. PGS.TS Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và GS.TS Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) của Đảng nêu quan điểm: "Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam". Đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu cụm từ "cơ bản, cấp bách" trong quan điểm, đường lối về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương quan tâm đến công tác dân tộc, ban hành nhiều chính sách dân tộc, giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp bách về công tác dân tộc. Quốc hội và Chính phủ bố trí ngân sách đầu tư thực hiện các chính sách dân tộc ngày càng lớn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, đô thị vùng dân tộc có những đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, đến nay, vùng dân tộc vẫn là vùng nghèo, khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của đồng bào; chất lượng nguồn nhân lực thấp so với mặt bằng chung của cả nước, tỷ lệ mù chữ còn cao, chất lượng hiệu quả giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thấp; văn hóa các dân tộc thiểu số tiếp tục bị mai một dần, tệ nạn xã hội gia tăng; chất lượng dân số, sức khỏe của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp so với cả nước; môi trường vùng dân tộc tiếp tục bị suy thoái, vệ sinh, môi trường của đồng bào dân tộc chưa đảm bảo; vấn đề an ninh phi truyền thống, diễn biến hòa bình, bạo loạn, xung đột xã hội diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến phát triển bền vững vùng dân tộc và cả nước,...

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng khai mạc Hội thảo

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết: Để đề xuất chính sách giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược đến năm 2030, Chương trình CTDT/16-20 được giao nhiệm vụ nhận diện những vấn đề cơ bản cấp bách về dân tộc và chính sách dân tộc, đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030. Đến nay, Chương trình CTDT/16-20 đã xác định, tuyển chọn, tổ chức thực hiện 50 đề tài nghiên cứu khoa học. Mục tiêu chung của các đề tài là nghiên cứu, làm rõ các cơ sở lý luận, thực tiễn về chính sách dân tộc, đánh giá tác động, hiệu quả của các chính sách dân tộc hiện hành, nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc và công tác dân tộc, kiến nghị chính sách dân tộc thời gian tới.

PGS.TS. Trần Trung báo cáo tại Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, dưới sự chủ trì của PGS.TS Trần TrungGS.TS Nguyễn Huy Bằng, đại biểu tham dự đã sôi nổi thảo luận các vấn đề về dân tộc và công tác dân tộc. Nhiều ý kiến đã cho thấy chính sách dân tộc đã giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách về công tác dân tộc, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, kết quả chưa được như mong muốn.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, nước ta có 118 chính sách dân tộc đang còn hiệu lực. Bao gồm 50 chính sách chung không nêu cụ thể đến dân tộc thiểu số, 13 chính sách chung có đề cập đến dân tộc thiểu số, 21 chính sách vùng có dân tộc thiểu số và 34 chính sách cho riêng vùng dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nhận thấy, các chính sách dân tộc Đảng và Nhà nước ta được thiết kế, hình thành, để nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản và cấp  bách trong vùng dân tộc; hầu hết các vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc và công tác dân tộc đã nêu trong Nghị quyết trung ương 7 (Khóa IX) về công tác dân tộc đã từng bước được giải quyết bằng các chính sách dân tộc cụ thể.

Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra vấn đề nào là vấn đề cơ bản, vấn đề nào là vấn đề cấp bách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nước ta hiện nay. Hiệu quả, tác động của hệ thống chính sách dân tộc thực hiện trong thời gian qua như thế nào. Ngoài những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc và chính sách dân tộc đã được Chương trình CTDT/16-20 nghiên cứu, Hội thảo đã bổ sung thêm một số vấn đề mới cần phải được nghiên cứu trong thời gian tới như tệ nạn xã hội ở đồng bào dân tộc, vấn đề di dời dân cư... Đây là những vấn đề cần phải giải quyết ngay trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và đưa vào trong chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất tại Hội thảo

Đồng chí Vi Mỹ Sơn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cung cấp thêm các thông tin về chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

TT. ĐHV