Tham gia buổi họp có Thượng tá, Thạc sĩ Trần Văn Thông, Phó Giám đốc trung tâm, Trưởng Khoa Quốc phòng; Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Đình Lưu, Phó Trưởng Khoa Quốc phòng cùng toàn thể cán bộ, giảng viên trong trung tâm.


Cán bộ, giảng viên Trung tâm GD QP&AN tham gia cuộc họp đánh giá Chương trình Đào tạo Đại học hệ chính quy tiếp cận CDIO ngành GD QP&AN.


Mở đầu buổi họp, Thượng tá, Thạc sĩ Trần Văn Thông đã quán triệt rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian và khêu gợi các vấn đề trọng tâm để cán bộ, giảng viên cùng tham gia đóng góp.

Đồng chí nhấn mạnh: “Phương pháp đào tạo tiếp cận CDIO là khung chuẩn giáo dục mang tính sáng tạọ. Trên phạm vi toàn cầu, các trường Đại học tham gia triển khai phương pháp tiếp cận CDIO như một khung chuẩn để hoạch định và đánh giá chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra. Trường Đại học Vinh xác định việc phát triển chương trình đào tạo tiếp cận CDIO là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Do có tính đặc thù về tính chất chính trị, tính chất quân sự cao nên ngành học GD QP&AN có quá trình triển khai CDIO chậm hơn một số ngành đào tạo khác trong Trường Đại học Vinh. Năm học 2020 – 2021, Chi bộ - Ban giám đốc trung tâm quyết tâm hoàn thành các nội dung rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo Đại học hệ chính quy tiếp cận CDIO…”.


Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Đình Lưu, Phó Trưởng Khoa Quốc phòng phát biểu ý kiến, tham gia đóng góp về Chương trình tiếp cận CDIO ngành GD QP&AN tại cuộc họp

Tại buổi họp, cán bộ, giảng viên trong khoa đã thảo luận, đóng góp làm rõ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, chuẩn đầu ra của ngành học Sư phạm GD QP&AN hệ chính quy (đào tạo 4 năm); bám sát mục tiêu của Giáo dục Đại học quy định tại Luật Giáo dục Đại học 2018; bám sát Sứ mạng, Tầm nhìn, Mục tiêu tổng quát, Triết lí giáo dục của Trường Đại học Vinh trong giai đoạn mới hiện nay.

Các ý kiến phát biểu đã đi sâu phân tích mô tả mối liên hệ giữa chuẩn đầu ra các môn học với chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, cách thực thiết kế đề cương chi tiết học phần, thiết kế đặc tả ma trận câu hỏi thi của học phần; cách thức thiết kế hệ thống câu hỏi thi và tiêu chí đánh giá, tổ chức dạy học…bộ môn GD QP&AN theo hướng tiếp cận CDIO.


Thượng tá, Thạc sĩ Trần Văn Thông, Phó Giám đốc trung tâm - Trưởng Khoa Quốc phòng kết luận nội dung cuộc họp

Kết luận buổi họp, Thượng tá Trần Văn Thông đã biểu dương các giáo viên trong Tổ CDIO của trung tâm đã tích cực làm việc với Ban CDIO của Trường Đại học Vinh; học tập và vận dụng kinh nghiệm của các khoa, viện trong nhà trường; bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan; đồng thời chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm của tổ và trung tâm trong thời gian tới để hoàn thiện và đưa vào thực tiễn Chương trình Đào tạo Đại học hệ chính quy tiếp cận CDIO ngành GD QP&AN tại Trường Đại học Vinh…/.

                                                                      Tin, ảnh: Trung tâm GD QP&AN